Bệnh sùi mào gà là gì?

Sùi mào gà hay mụn cơm (hoa liễu) ở hậu môn – sinh dục có tên khoa học là Condyloma acuminata hoặc Ano – Genital Wart là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục do HPV gây ra. Bệnh có biểu hiện là các tổn thương sùi khu trú ở vùng sinh dục – hậu môn do sự tăng sinh lành tính các tế bào sừng trên da, niêm mạc. Sùi mào gà (SMG) được xem là một trong những bệnh gây ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng cuộc sống và chất lượng đời sống tình dục của bệnh nhân. Tại Mỹ, khoảng 500.000 đến 1 triệu trường hợp mắc SMG mới được chẩn đoán mỗi năm và khoảng 1% dân số trong độ tuổi quan hệ tình dục có triệu chứng lâm sàng của bệnh sùi mào gà. Khoảng 57% người ở độ tuổi hoạt động tình dục nhiễm ít nhất 1 lần HPV. Ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác về tỉ lệ mắc bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh sùi mào gà do HPV gây nên. Human Papillomavirus (HPV) là loại virus sinh u nhú chứa vật liệu di truyền DNA, có ái tính mạnh với tế bào biểu mô, đặc biệt là biểu mô da và niêm mạc. Các virus này không gây ra tình trạng nhiễm virus hệ thống, cũng như không xác định được trong máu. Trong bệnh sùi mào gà, HPV xâm nhập vào vùng sinh dục – hậu môn qua người bệnh qua các vết xước hoặc các vi chấn thương khi quan hệ tình dục. Sau khi xâm nhập, HPV gây kích thích phân chia tế bào gây nên các u nhú. Thương tổn do HPV gây ra có thể lành tự nhiên do cơ chế miễn dịch của cơ thể, quá trình này diễn ra chậm, có thể mất nhiều năm vì đáp ứng miễn dịch thường ít hiệu quả hơn đối với các tế bào bị nhiễm ở bề mặt do không có lượng máu đến nuôi dưỡng trực tiếp. Thật vậy, 70% nhiễm HPV sẽ hết sau 1 năm, 90% sau 2 năm. Tuy nhiên, với những type HPV có nguy cơ ung thư cao (nhất là HPV type 16 và 18), sự hoạt động quá mức của các protein gây ung thư E6 và E7 của các loại HPV này gây ức chế sự chết theo chương trình do ức chế gen p53 và pRb. Điều này gây ra mất khả năng điều hòa chu kì tế bào và bất ổn định của hệ gen, dẫn đến ung thư. Khoảng 5-10% phụ nữ nhiễm HPV dai dẳng, sẽ dễ phát triển thành tiền ung thư cổ tử cung và ung thư xâm lấn sau 10 – 20 năm.

Thời gian ủ bệnh của HPV

Khi nhiễm HPV, virus cần một thời gian ủ bệnh trung bình là khoảng 1 – 3 tháng sau khi có tiếp xúc ban đầu. Ngoài ra, virus có thể tiềm ẩn nằm ngủ trong một thời gian kéo dài trong các tế bào biểu mô, và nó có thể kéo dài không bị phát hiện trong suốt cuộc đời của một cá nhân không có biểu hiện lâm sàng. Sau khi xâm nhập, virus có thể biểu hiện bằng 3 mức độ khác nhau: Biểu hiện lâm sàng rõ, biểu hiện dưới lâm sàng và không có biểu hiện lâm sàng. Biểu hiện lâm sàng điển hình của sùi mào gà là các tổn thương sùi như súp lơ ở vùng sinh dục – hậu môn. Bất kì vị trí nào sinh dục – hậu môn đều có thể xuất hiện.

Bệnh sùi mào gà có gây ngứa, đau không?

Đa số các trường hợp bị sùi mào gà không gây ra ngứa hoặc đau. Sùi có thể dễ gây chảy máu khi thương tổn lan rộng trong khi quan hệ tình dục hay khi cọ xát.

Khi nghi ngờ sùi mào gà, bệnh nhân cần làm xét nghiệm gì?

Chẩn đoán bệnh sùi mào gà dựa trên khám lâm sàng của bác sĩ chuyên khoa da liễu và xét nghiệm PCR HPV để xác định sự có mặt của virus tại tổn thương sùi. Ngoài ra, việc định type HPV cũng quan trọng, giúp đánh giá nguy cơ ung thư sinh dục do HPV gây ra. Vì sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục nên bệnh cần được sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác bao gồm HIV, giang mai, viêm gan B, chlamydia, lậu và các tác nhân khác, phụ thuộc vào từng bệnh nhân.

Bệnh sùi mào gà dễ bị nhầm lẫn với bệnh nào?

Không phải u nhú nào ở vùng sinh dục cũng là biểu hiện của bệnh sùi mào gà. Sự nhầm lẫn hay gặp nhất với sùi mào gà là các tuyến vùng sinh dục. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám trực tiếp để phân biệt. Trong trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được lấy dịch sinh dục hoặc tổn thương u nhú để làm xét nghiệm HPV.

Nếu tôi được chẩn đoán sùi mào gà thì bạn tình của tôi cần phải làm gì?

Bạn tình của bệnh nhân sùi mào gà cần được khám và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định có mắc sùi mào gà hay không và thực hiện các xét nghiệm nhằm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Điều trị bệnh sùi mào gà như thế nào?

HPV có thể ẩn nấp lâu ở lớp đáy của da, niêm mạc và có thể không loại trừ được bằng bất kỳ phương pháp điều trị nào. Việc sử dụng các thuốc kháng virus thường không có hiệu quả. Các phương pháp điều trị hiện nay có sự khác nhau về lịch trình điều trị, thời gian điều trị, tác dụng phụ, chi phí điều trị và hiệu quả tổng thể. Cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: đặc điểm tổn thương (vị trí, số lượng), khả năng can thiệp của bác sĩ, khả năng về trang thiết bị sẵn có, khả năng chi trả của bệnh nhân và nguyện vọng của bệnh nhân. Các phương pháp can thiệp như sử dụng laser CO2, plasma, đốt điện có đạt được hiệu quả lâm sàng cao sau 1 lần điều trị. Gần như 100% các thương tổn lâm sàng của sùi mào gà được loại bỏ sau 1 lần điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần nhiều lần điều trị mới đạt được sự lui bệnh lâu dài. Bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám sau mỗi 2 tuần để đánh giá sự tái phát và can thiệp sớm ngay khi bắt đầu có tổn thương sùi mới. Các phương pháp điều trị khác là bôi thuốc imiquimod cũng đạt được hiệu quả lâm sàng cao. Tuy nhiên, bệnh nhân cần bôi thuốc kéo dài và thận trọng để phòng các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc.

Phòng bệnh

Để phòng sự bệnh, quan trọng là quan hệ tình dục chung thủy. Việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục cũng làm giảm tỉ lệ mắc bệnh, mặc dù chỉ từ 40 – 60%. Ngoài ra, vaccine phòng HPV các type 6, 11, 16, 18 cũng làm giảm được tỉ lệ mắc sùi mào gà cũng như ung thư sinh dục – hậu môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *