Có bầu bị mụn trứng cá

và Cách điều trị mụn trứng cá trong thời gian mang thai

  1. Nguyên nhân gây mụn trứng cá trong thời kỳ mang thai?

Mụn trứng cá thông thường là một bệnh viêm mạn tính của đơn vị nang lông – tuyến bã với biểu hiện lâm sàng là các mụn nhân mở hoặc đóng và các tổn thương viêm (sẩn, mụn mủ, cục, nang) có thể gây sẹo và ảnh hưởng đến tâm lý. Ở những phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, tình trạng này có thể đặc biệt khó chịu do những thay đổi về sinh lý cũng như tính chất khó đoán của mụn trứng cá trong thời gian này.

Mụn trứng cá thường xuất hiện trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ nhưng có thể trầm trọng hơn trong 3 tháng cuối do tăng nồng độ androgen trong máu làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất bã nhờn. Ngoài những thay đổi về nội tiết tố trong thai kỳ, hệ miễn dịch cũng có thể góp phần gây ra mụn. Các tổn thương viêm có xu hướng xuất hiện nhiều hơn các tổn thương không viêm, thường lan rộng ra thân mình. Những bệnh nhân có tiền sử mụn trứng cá dễ bị mụn trứng cá hơn khi mang thai.

Quản lý mụn trứng cá ở bệnh nhân mang thai có thể là một thách thức vì nhiều lựa chọn điều trị bị chống chỉ định hoặc không được khuyến. Vậy đâu là những sản phẩm phù hợp sử dụng an toàn cho phụ nữ có thai?

  1. Phân loại các thuốc điều trị trứng cá trong thai kỳ theo FDA 
  • Thuốc nhóm A: sử dụng an toàn và không có nguy cơ đối với thai nhi. 
  • Thuốc nhóm B: được xem là an toàn đối với phụ nữ mang thai. 
  • Thuốc nhóm C: cân nhắc khi sử dụng, sử dụng nếu lợi ích nhiều hơn so với nguy cơ.  
  • Thuốc nhóm D, X: không nên sử dụng ở phụ nữ có thai.
  1. Thuốc bôi điều trị mụn trứng cá trong thai kì
  • Thuốc bôi thuộc nhóm B sử dụng được trong thai kỳ:
    • Azelaic acid: Kháng khuẩn, tiêu nhân mụn, kháng viêm, ức chế tyrosinase (sáng da), giảm tăng sắc tố sau viêm
    • Clindamycin: Kháng khuẩn
    • Erythromycin: Kháng khuẩn
  • Thuốc bôi thuốc nhóm C khi sử dụng cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ: 
    • Benzoyl peroxide: Kháng khuẩn, tiêu sừng, tiêu nhân mụn, kháng viêm. Benzoyl peroxide sau khi bôi sẽ có khoảng 5% được hấp thu toàn thân, toàn bộ benzyol peroxide sau hấp thu sẽ được chuyển hóa thành benzoic acid, một loại chất phụ gia trong thức ăn và được đào thải rất nhanh qua thận. Do đó, benzoyl peroxide ít khi gây độc toàn thân và trên lý thuyết rất ít nguy cơ cho thai nhi. Benzoyl peroxide được coi là an toàn trong thai kỳ và giúp ngăn ngừa sự tình trạng kháng thuốc khi sử dụng kết hợp với kháng sinh
    • Salicylic acid: Nồng độ thấp trong các sản phẩm như sửa rửa mặt có thể sử dụng (1-5%). Ít hiệu quả hơn acid azelaic.

Như vậy, đối với mụn trứng cá nhẹ đặc trưng chủ yếu bởi các tổn thương không viêm, axit azelaic bôi tại chỗ hoặc benzoyl peroxide có thể được khuyến nghị như liệu pháp cơ bản. Đối với mụn trứng cá có tổn thương viêm, nên bắt đầu bằng sự kết hợp của erythromycin hoặc clindamycin tại chỗ với benzoyl peroxide. 

Ngoài ra, các liệu pháp điều trị mụn chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai bao gồm isotretinoin uống tazarotene bôi ngoài da, các loại retinoid bôi ngoài da khác trong thời kỳ mang thai cũng không nên sử dụng. Không có đủ dữ liệu để kết luận về sự an toàn của clascoterone dapsone tại chỗ trong thời kỳ mang thai do đó nên tránh sử dụng các liệu pháp này.

  1. Thuốc uống trị mụn trứng cá trong thai kỳ

Thuốc uống thuộc nhóm B sử dụng được trong thai kỳ:  

  • Erythromycin: Erythromycin thuộc nhóm Macrolide, nhóm thuốc này thuộc phân loại B của FDA. Erythromycin qua nhau thai kém, do đó được xem là an toàn trong tất cả các giai đoạn của quá trình mang thai loại kháng sinh được lựa chọn để điều trị mụn trứng cá viêm nặng ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài (6 tuần) vẫn chưa được nghiên cứu. Lưu ý là dạng Erythromycin estolate chống chỉ định ở phụ nữ có thai do có nguy cơ gây độc trên gan. 
  • Azithromycin: Kháng sinh này cũng thuộc nhóm Macrolide (phân loại B). Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng azithromycin đi qua nhau thai mà không gây tác dụng phụ đối với thai nhi. Chế độ dùng thuốc linh hoạt hơn cho bệnh nhân ít tuân thủ
  • Cephalexin: Cephalosporin thế hệ 1 này thuộc phân loại B có thể sử dụng trong thời gian mang thai.
  • Amoxicillin: Chỉ nên sử dụng trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Amoxicillin có thể gây hở hàm ếch nếu sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Không sử dụng tetracyclin, doxycycline và minocycline ở phụ nữ có thai do ảnh hưởng đến răng và xương của thai nhi.

Việc sử dụng kháng sinh toàn thân nên được hạn chế trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, sau khi hoàn thành quá trình tạo cơ quan, với thời gian điều trị giới hạn từ 4 đến 6 tuần. Đối với mụn trứng cá viêm mức độ vừa đến nặng có thể được kiểm soát bằng uống erythromycin hoặc cephalexin, an toàn khi chỉ sử dụng trong vài tuần. Nói chung, kháng sinh bôi và uống không nên dùng đơn trị liệu mà nên kết hợp với bôi ngoài da benzoyl peroxide để giảm khả năng kháng thuốc của vi khuẩn

Ảnh có chứa văn bản

Mô tả được tạo tự động

5. Kết luận

Quyết định điều trị mụn trứng cá ở phụ nữ mang thai phải dựa trên mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá, lợi ích cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi và khả năng chịu đựng rủi ro của bệnh nhân cũng như các hướng dẫn từ bác sĩ sản khoa, do đó việc sử dụng thuốc bôi và thuốc uống ở đối tượng này phải hết sức thận trọng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc bôi và uống thì tinh chỉnh lối sống và chăm sóc da cơ bản ở phụ nữ có thai cũng đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị. 

Với những chia sẻ trên, phòng khám da liễu Thanh Tâm hy vọng có thể giảm bớt nỗi lo về mụn trứng cá thai kỳ của mẹ bầu, giúp mẹ có 9 tháng mang thai thật nhẹ nhàng và thuận lợi. Nếu cảm thấy lo lắng về mụn trứng cá khi mang thai, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và có hướng dẫn kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

  1. ” Treatment of Acne in Pregnancy” Anna L. Chien, MD, Ji Qi, BA, Barbara Rainer, MD, Dana L. Sachs, MD, and Yolanda R. Helfrich, MD 2016.
  2. “Acne vulgaris: Overview of management?” Emmy Graber, MD, MBA . Uptodate May 02, 2022

Phòng khám da liễu Thanh Tâm – Số 6, ngõ 92 Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Website: https://pkdalieuthanhtam.com/     

 Hotline/Zalo: 091 9050066

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *